PHIÊN TOÀN THỂ

DIỄN ĐÀN HỖ TRỢ PHÁP LÝ ĐẦU TƯ 2024 - KỲ I

"Đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong bối cảnh mới của TP. Hồ Chí Minh"

Trên cơ sở Phiên Trù bị được tổ chức vào ngày 12 tháng 4 năm 2024, sáng ngày 24 tháng 4 năm 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh ( ITPC), dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục Phiên Toàn thể Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 - Kỳ 1. Phiên làm việc đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan ban ngành cùng gần 200 đại biểu là nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực và các cơ quan thông tấn báo chí.

TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98

Tại phần phát biểu khai mạc, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đã cung cấp một số thông tin khái quát về tiến trình triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, đặc biệt là đối với việc triển khai các dự án PPP tại Thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố đã kêu gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP (41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế theo Nghị quyết 181/NQ-HĐND; 05 dự án BOT công trình giao thông đường bộ hiện hữu và thêm 08 dự án khác thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao vừa được TP. Thủ Đức kêu gọi vốn đầu tư ngày 17/4 vừa qua). Thành phố cũng rất nỗ lực thực hiện hoá các quy định tại Nghị quyết 98 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, có thể thấy, quá trình kêu gọi, triển khai các dự án PPP đang gặp một số vướng mắc như thiếu hướng dẫn cụ thể cũng như các vấn đề liên quan đến tính phù hợp của hình thức PPP đối với một số dự án. Ông Lịch cũng nhấn mạnh, ILS Forum là nơi trao đổi và kết nối giữa các nhà đầu tư đang tham gia và đã hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là mô hình có thể phát huy và cộng hưởng thế mạnh của nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân đóng góp vào phát triển chung của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Ông Lịch thông tin, sau Phiên Trù bị vào ngày 12 tháng 4 năm 2024 vừa qua, đã có hơn 30 ý kiến từ cộng đồng nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, hiệp hội doanh nghiệp đã được tập hợp và chuyển đến Tiểu ban Chuyên môn của ILS Forum 2024 – Kỳ I. Ông kỳ vọng những chia sẻ, ý kiến mang tính xây dựng trong Phiên Toàn thể sẽ cung cấp nhiều sáng kiến, góp ý phù hợp cho TP. Hồ Chí Minh trong việc triển khai, phát triển các dự án PPP trong tương lai.

LS. Ngô Thanh Tùng - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Đức (VILAF), Trọng tài viên VIAC

Mở đầu Phiên Toàn thể, Đại diện Trưởng Tiểu ban Chuyên môn ILS Forum 2024 – Kỳ I - LS. Ngô Thanh Tùng - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Đức (VILAF), Trọng tài viên VIAC có phần phát biểu dẫn đề nhằm đánh giá khái quát về tình hình triển khai các dự án PPP tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Tùng nhận định, với những lợi ích mà PPP mang lại, Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang theo đuổi PPP như một lựa chọn chiến lược để huy động đầu tư tư nhân và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, việc thực hiện PPP ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trở ngại, dẫn đến số lượng dự án thành công thấp và khối kinh tế tư nhân còn dè dặt, đặc biệt là những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng, muốn tham gia nghiêm túc. Đánh giá về thách thức trong việc thực hiện các dự án PPP hiện nay, ông Tùng cho biết, một trong những thách thức chính trong việc thực hiện PPP ở các nước đang phát triển là thiếu khung pháp lý và quy định rõ ràng và nhất quán xác định vai trò, trách nhiệm và quyền của các đối tác nhà nước và tư nhân, cũng như các thủ tục, tiêu chí và cơ chế lựa chọn, thẩm định, phê duyệt, mua sắm, quản lý hợp đồng, giám sát và đánh giá dự án. Bên cạnh đó, vấn đề về năng lực thể chế và nguồn nhân lực của khu vực công cũng là một yếu tố làm cản trở sự thành công của các dự án PPP. Như vậy, để cải thiện tình hình, vượt qua những thách thức này và nắm bắt cơ hội của các dự án PPP trong các lĩnh vực xã hội, Chính phủ, khu vực công và cả khu vực tư nhân cần áp dụng một số biện pháp cụ thể, chẳng hạn như xây dựng và áp dụng các phương pháp và chỉ số phù hợp, tham gia và tham vấn với các bên liên quan, cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ tài chính và phi tài chính, lồng ghép và điều chỉnh các dự án PPP trong các lĩnh vực xã hội với các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia và địa phương, bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các dự án PPP trên địa bàn xã hội.

Sau phần trình bày của LS. Ngô Thanh Tùng, lần lượt 4 báo cáo chuyên môn được triển khai nhằm trên cơ sở giải đáp những vấn đề đã được cộng đồng nhà đầu tư đặt ra ở Phiên Trù bị. 

Nguyễn Thị Linh Giang – Chánh Văn phòng PPP Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Liên quan đến vấn đề “Lựa chọn loại hợp đồng PPP và yêu cầu về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án PPP”, bà Nguyễn Thị Linh Giang – Chánh Văn phòng PPP Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi Luật PPP ra đời và có hiệu lực vào năm 2021, có tổng cộng 36 dự án được triển khai theo hình thức PPP, trong đó, đa phần các dự án được thực hiện dưới dạng hợp đồng BOT (28/36 dự án), còn lại các dự án được thực hiện dưới dạng BLT, BOO và 01 dự án triển khai dưới dạng hợp đồng O&M. Điều nay có thể khẳng định mức độ ưu thích của nhà đầu tư khi lựa chọn loại hợp đồng. Bà Giang cũng khẳng định cần có hợp đồng mẫu nhằm hướng tới hài hoà mối quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa khu vực công - tư. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng hợp đồng mẫu như thế nào để phù hợp với từng lĩnh vực, tương ứng với nhu cầu của từng ngành, chỉ có như vậy, hợp đồng mẫu mới phát huy tác dụng triệt để - là một công cụ để làm rõ quyền, lợi ích, nghĩa vụ, tạo căn cứ để phòng ngừa những rủi ro, xây dựng phương án xử lý hiệu quả cho từng trường hợp.

Bà Lương Thị Thanh Ngân – Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chuyên gia cao cấp về Đầu tư Tư nhân

Nối tiếp phần trình bày của bà Giang, bà Lương Thị Thanh Ngân – Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chuyên gia cao cấp về Đầu tư Tư nhân trình bày báo cáo chuyên môn với chủ đề “Hợp đồng mẫu trong triển khai dự án PPP và tiêu chí trong việc lựa chọn loại hợp đồng PPP phù hợp cho các dự án tại TP. Hồ Chí Minh”. Bà Ngân chia sẻ thất bại của dự án PPP xảy ra ở nhiều giai đoạn và phát sinh bởi nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, vì vậy, trước khi kêu gọi đấu thầu hoặc đưa ra quyết định đầu tư, Nhà nước cũng như nhà đầu tư cần có những đánh giá, nhận định đúng đắn về đặc điểm dự án, tính khả thi thực hiện. Trong quá trình phân tích từng giai đoạn thực hiện dự án PPP, bà Ngân cũng đưa ra một số đối chiếu, nhận định về tính khả thi và loại hợp đồng nên áp dụng với các dự án PPP mà Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi. Theo đó, bà Ngân cho rằng, không phải tất cả các dự án trong danh mục hiện nay đều có thể thực hiện PPP, có những dự án, nếu áp dụng PPP, cả Nhà nước và nhà đầu tư sẽ phải chịu lỗ; trong khi đó, có những dự án nhiều tiềm năng và nếu áp dụng PPP sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Song song với việc đưa ra các đánh giá chuyên môn về dự án trong nước, bà Ngân cũng phân tích một số điển hình PPP thành công trên thế giới, cung cấp góc nhìn đa dạng về cách thức thực hiện một dự án PPP hiệu quả cho doanh nghiệp tham dự.

LS. Nirmalan Amirthanesan - Luật sư Công ty Luật Mori Hamada & Matsumoto

Phần báo cáo chuyên môn được tiếp tục với phần chia sẻ của LS. Nirmalan Amirthanesan - Luật sư Công ty Luật Mori Hamada & Matsumoto. Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho nhà đầu tư trong các dự án PPP, Luật sư nhận định, yếu tố phân chia rủi ro đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hợp đồng PPP. Ghi nhận sự quan trọng đó, không chỉ luật PPP mà nhiều luật chuyên ngành cùng một số nghị định, thông tư hướng dẫn đã đưa ra quy định về cơ chế phân bổ rủi ro giữa Nhà đầu tư và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, các vấn đề về cơ chế chia sẻ rủi ro nói riêng và các quy định khác được các bên trong dự án PPP chuẩn hóa bằng cách đưa vào hợp đồng. Ở một số quốc gia trên thế giới, các quy định này thậm chí còn được đưa vào hợp đồng mẫu và quy định chi tiết. Luật sư cho rằng, tại Việt Nam, các bên cũng nên áp dụng cách thức như thế. Theo đó, để cân bằng lợi ích, Nhà nước và Nhà đầu tư cần có những cam kết trong hợp đồng và cùng chịu trách nhiệm trong việc quản lý hợp đồng. Cùng với đó, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng cường hơn vai trò của họ, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cũng cần lưu tâm hơn đến việc cải thiện hệ thống quy định pháp luật; đặc biệt là chú tâm hơn đến việc xây dựng hợp đồng mẫu.

PGS. TS. Dương Đăng Huệ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, Trọng tài viên VIAC

Khép lại phần báo cáo chuyên môn, PGS. TS. Dương Đăng Huệ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, Trọng tài viên VIAC đã có phần trao đổi về tình trạng kém hiệu quả của các dự án PPP và các vấn đề gây mất cân bằng lợi ích của nhà đầu tư. Theo đó, PGS.TS. Dương Đăng Huệ nhận định Luật PPP hiện nay đang có nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn và gây ra sự bất tương xứng khi áp dụng trên thực tế. Đối với nhà đầu tư, những thiếu sót này đã khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, mất đi tính cân bằng về quyền, lợi ích với cơ quan nhà nước khi thực hiện dự án. Một số thiếu sót điển hình có thể nhắc tới đó là chưa có quy định về trách nhiệm của nhà nước khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; cơ chế cho việc phân chia lợi nhuận rủi ro chưa thực sự công bằng và gây tốn kém thời gian cho nhà đầu tư; nhà đầu tư không được tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, kinh doanh dự án PPP…Từ những đánh giá và phân tích thực tiễn, PGS.TS. Huệ cũng đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao vai trò và bảo vệ nhà đầu tư hơn. Cụ thể, chuyên gia khuyến nghị Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát thực hiện Luật PPP và trong khi chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP. Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành liên quan cũng cần có sự tổng hợp liên tục các vướng mắc, bất cập để đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các vấn đề của họ. Có như vậy, dự án PPP mới thu hút được các nguồn đầu tư mới, có nhiều cải thiện hơn và triển khai hiệu quả hơn.

Sau phần báo cáo chuyên môn, phần Đối thoại giữa Nhóm Công tác và Nhóm Chuyên môn Diễn đàn được diễn ra với sự điều phối của LS. Ngô Thanh Tùng - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Đức (VILAF), Trọng tài viên VIAC. Tại phần đối thoại này, các ý kiến từ Phiên Trù bị và Phiên Toàn thể đã được đưa ra tranh luận; từ đó, đưa đến những kết luận sau cùng và kiến nghị cụ thể cho các vấn đề phát sinh trong quá trình kêu gọi, triển khai dự án PPP tại TP. Hồ Chí Minh. Tiếp nối phần đối thoại chuyên môn, phiên Đối thoại toàn thể dưới sự điều phối của TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng được thực hiện với sự trao đổi, tương tác sôi nổi của doanh nghiệp tham dự với chuyên gia sự kiện.